Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng bày tỏ đôi điều mong đợi ở các nhà giáo. Đầu tiên, để thực hiện tốt chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhà giáo cần tự đổi mới bản thân, không sợ hãi, e ngại, né tránh đổi mới bản thân.
“Sau 3-4 năm đổi mới, nếu từng giáo viên nhìn lại mà chưa thấy mình khác so với 3 – 4 năm về trước, chưa phải đổi mới. Nếu nhìn lại mà thấy mình vẫn như xưa, làm sao giáo dục đổi mới?”.
Cũng theo ông Kim Sơn, cần thay đổi vai trò, vị trí cách dạy, hoạt động dạy của giáo viên. Nhà giáo từ chỗ là người truyền thụ kiến thức chuyển sang là người dẫn dắt, tổ chức, hỗ trợ để học sinh hình thành năng lực và tự tích luỹ kiến thức…
Ông Sơn cũng cho rằng một điểm quan trọng khác là nhà giáo, đặc biệt là giáo viên phổ thông, cần thay đổi quan niệm và cách sử dụng sách giáo khoa.
“Trong chương trình trước, chúng ta lệ thuộc quá nhiều sách giáo khoa. Sách giáo khoa là pháp định, là chỗ dựa, dạy và học phải theo đó, kiểm tra không được ra ngoài, học gì thi đấy. Chúng ta bị khuôn cứng, lệ thuộc ở sách giáo khoa. Nhưng thay đổi lần này, chương trình thống nhất toàn quốc, còn sách giáo khoa là học liệu đặc biệt”.
Bộ trưởng Giáo dục nhấn mạnh cần sử dụng sách giáo khoa chủ động, không lệ thuộc, có thể dùng nhiều bộ sách giáo khoa, lấy các ngữ liệu, bài tập khác sử dụng linh hoạt. Nếu không thay đổi cách tiếp cận sách giáo khoa, không đạt được điểm đổi mới quan trọng.
Trong công cuộc đổi mới, ông Kim Sơn cũng nhấn mạnh đến vai trò của hiệu trưởng. “Hiệu trưởng là người chỉ huy, chủ đạo trong việc đổi mới ở cơ sở mình. Nếu hiệu trưởng không đổi mới khó hy vọng ngôi trường đó đổi mới. Nhiều người hăng hái, nhiệt huyết nhưng cũng có một phần không nhỏ không tham gia tập huấn, đọc chương trình... ảnh hưởng không nhỏ tới việc đổi mới”, ông Sơn phân tích.
Cũng theo ông Sơn: “Hiệu trưởng không phải ông quan trong cơ sở giáo dục mà là người dẫn dắt, tập hợp, hỗ trợ nên cần phải bắt nhịp các mục tiêu đổi mới. Hiệu trưởng là người dẫn dắt đổi mới”.
Bộ trưởng Giáo dục cũng khẳng định, triết lý của chương trình đổi mới là tính nhân văn, chủ động. “Nếu những yếu tố này không được nhân lên và phát huy, đổi mới chỉ dừng ở cổng trường mà thôi”.
'Chưa làm cho xã hội hiểu được ngành Giáo dục'
Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận nhiều điều mới trong ngành Giáo dục chưa chia sẻ được cho xã hội hiểu. Cụ thể, ngành Giáo dục chưa làm được cho phụ huynh, xã hội hiểu cái khó, cái mới đang làm.
“Với cái xấu trong nội bộ, chúng ta phải lên tiếng để chống; với những cái tốt, tích cực trong ngành chúng ta phải nói rõ. 1,6 triệu người nói chắc sẽ có hiệu quả hơn là riêng Bộ trưởng nói”.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh, khi phát ngôn trên mạng xã hội: “Chúng ta đừng quên, ngoài tư cách một công dân, chúng ta còn cả tư cách của một nhà giáo. Chúng ta phát ngôn cần phù hợp tư cách một nhà giáo bình luận các câu chuyện về chính trị, xã hội và chính câu chuyện của chúng ta trên mạng xã hội”.
Theo ông Sơn, trước khi dẫn dắt, định hướng học sinh tiếp xúc với mạng xã hội, thầy cô phải làm gương trên rất nhiều phương diện, trong đó, có chuyện ứng xử với thông tin trên mạng xã hội.
Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT gửi thông điệp đến các thầy cô giáo. Thứ nhất, đội ngũ những người làm Giáo dục cần kiên định ở con đường và mục tiêu đổi mới và các định hướng mang tính chiến lược của ngành.
Thứ hai, cần kiên trì, thuyết phục và vận động phụ huynh cũng như xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành cùng chúng ta.
Thứ ba, cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực, theo đuổi mục tiêu chất lượng với mục tiêu phát triển con người, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thi đua dạy học tốt dẫu khó khăn đến đâu.
Ông Sơn cho hay để muốn thay đổi thế giới, điều đương nhiên và trước tiên là cần phải làm cho các thầy cô giáo hạnh phúc.
“Nhưng hạnh phúc trước hết là từ ta, do chúng ta. Chúng ta cần bước ngay vào hành trình cùng làm cho nhau trở thành những người hạnh phúc ở nơi trường học với các học trò thân yêu”.
https://www.youtube.com/watch?v=vy1Ys-nbupE