Dùng điện thoại: Không nên vừa sạc vừa học
TS Phùng Anh Tuấn, trưởng bộ môn thiết bị điện - điện tử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chia sẻ một trong những lưu ý hàng đầu khi dùng smartphone (điện thoại thông minh) học trực tuyến là vừa học, vừa cắm sạc.
Nếu pin của điện thoại đang ở mức điện áp thấp, phần nguồn khi đó sẽ làm đồng thời cả hai chức năng nạp điện cho pin và cấp năng lượng chạy thiết bị. Nếu pin đã đầy, phần nguồn không nạp điện vào pin mà chuyển sang "nuôi" cho một số bộ phận như màn hình, vi xử lý,…
Trong cả hai tình huống, các bộ phận trong điện thoại đều phải làm việc ở cường độ cao. Đặc biệt với tác vụ kéo dài và "ngốn" nhiều dung lượng mạng như học trực tuyến, thiết bị sẽ tỏa nhiệt nhiều và liên tục trong thời gian đáng kể. Pin có thể sẽ phồng lên, thậm chí phát nổ nếu quá sức.
Ngoài nguy cơ từ phía thiết bị, cũng có rủi ro từ phía củ sạc. Nhiều củ sạc không được thiết kế chuyên để vừa cấp điện cho pin, vừa duy trì hoạt động cho điện thoại, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ. Đó là chưa kể một số củ sạc kém chất lượng cũng tiềm ẩn nguy hiểm.
Theo ông Tuấn, cha mẹ nên chủ động sạc điện thoại nói riêng và các thiết bị số nói chung trước khi con vào lớp học. Bên cạnh đó, cần chú ý thay mới pin khi có dấu hiệu "chai". Thông thường tuổi thọ của pin từ 18-20 tháng. Vì vậy phụ huynh cần chú ý thay mới theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Dạy trẻ cẩn trọng với thiết bị điện
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phụ huynh cần ghi nhớ một số lưu ý về an toàn điện khi trẻ học tập, sinh hoạt tại nhà trong thời gian giãn cách xã hội.
Đặc biệt, với những trẻ nhỏ tuổi, phụ huynh cần giáo dục một số nguyên tắc như không nên chạm vào dây điện đứt rời hoặc dây điện bị hở. Các con không được đưa ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm điện và tuyệt đối không chạm đến bất kỳ dụng cụ điện nào khi tay còn ướt.
Ngoài ra, trẻ không nên sử dụng bất kỳ thiết bị điện hoặc rút phích cắm điện khi không được người lớn cho phép. Không được lấy dây điện, thiết bị điện làm đồ chơi.
Trường hợp các thiết bị chạy điện rơi vào chỗ có nước thì không được chạm tay vào mà phải báo ngay cho người lớn. Nếu các vật dụng khác rơi vào phải thiết bị điện thì cũng không nên tự tìm cách lấy ra.
Nhiều nguy cơ về an toàn cần được chú ý khi cho trẻ học online - Ảnh: THE GUARDIAN
Cẩn trọng những link, hộp thoại lạ
Ông Trương Văn Cường, trưởng bộ phận an ninh mạng Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng Athena, cho rằng an toàn thông tin cũng là một điều đáng lưu ý khi học trực tuyến.
Hiện nay, một số lớp học online đang được quản lý khá đơn giản, hễ có đường link hay mật khẩu vào Zoom, Google Meets,… là có thể đăng nhập. Điều này dễ cho những người lạ vào lớp học phá rối hoặc tung những hình ảnh, phát ngôn phản cảm.
Một số vụ việc tương tự ở nhiều quốc gia đã để lại ảnh hưởng tâm lý cho các học sinh nhỏ tuổi, thậm chí có em vì thế đã sợ học online.
Do đó, theo ông Cường, người dạy và người học cần có ý thức bảo vệ "lớp học ảo". Giáo viên nên dặn dò thật kỹ học sinh nhỏ tuyệt đối không đưa đường link vào lớp cho những người không liên quan.
Nhiều trẻ học online đang sử dụng thiết bị của cha mẹ, vì vậy cẩn trọng tránh mất dữ liệu của phụ huynh cũng rất quan trọng. Một số trường hợp khi trẻ em đang học, kẻ xấu có thể gửi những đường link lạ cho các em nhấn vào có thể đưa virus về máy.
Cũng có trường hợp màn hình xuất hiện các hộp thoại khá "liên quan" yêu cầu người dùng nhập thông tin, chẳng hạn đăng ký để nhận sách giáo khoa, sách tham khảo,… Nếu các em điền theo yêu cầu trên, có khi sẽ mất những thông tin quan trọng như là tài khoản, mã pin vào các ứng dụng ngân hàng của cha mẹ.
Hướng dẫn về các nguy cơ
Ông Trương Văn Cường cho rằng phụ huynh nên dành thêm thời gian quan tâm hay học cùng con một vài buổi để hướng dẫn về các nguy cơ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên tự trang bị cho mình kiến thức về những rủi ro phát sinh trên môi trường ảo để đồng hành cùng con.