Thành tích của Hà Hải Dương:
Được 12 trường đại học của Mỹ nhận tuyển và cho học bổng 1,5 triệu đô.
Học bổng từ trường Hóa học của Đại học California tại Berkeley (trường Hóa học số 1 thế giới, trên Harvard và MIT, theo bảng xếp hạng USNews), trường đại học California tại Los Angeles và các trường đại học khác trong top 30 ở Mỹ.
Miễn học phí và sinh hoạt cho chương trình dự bị y khoa của đại học Georgetown trị giá 280.000 đô la Mỹ cho 4 năm. Và được nhận chính sách tuyển thẳng có điều kiện lên trường y đại học Georgetown, 1 trong 6 trường y khó vào nhất nước Mỹ với tỉ lệ trúng tuyển 2.7%.
Đạt điểm tổng kết 9.5 năm lớp 10; 9.6 năm lớp 11 và 9.8 vào năm học lớp 12.
Xuất bản 2 bài báo khoa học trên các hội thảo quốc tế và có 1 hồ sơ đang chờ cấp bằng sáng chế.
Được đề cử vào chương trình học giả Georgetown (Georgetown Scholars Program) dành cho 10% học sinh xuất sắc nhất trong năm nay.
Chủ tịch Câu Lạc Bộ Hóa Học trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội (HSGS Chemistry Organization).
Trưởng ban truyền thông dự án du học Vé Thông Hành, thu hút hơn 32.000 người theo dõi fanpage.
Người sáng lập và trưởng ban tổ chức dự án môi trường LiberVita.
Người sáng lập và trưởng ban tổ chức hội chợ Khoa Học Chem Storm.
Thành viên nòng cốt của câu lạc bộ tranh biện của trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên -trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thí sinh chung kết giải tranh biện Gấu Debating Championship, Á quân giải tranh biện Chuyên Nguyễn Huệ, Thí sinh tứ kết giải vô địch tranh biện Việt Nam luật Nghị Viện Anh.
Cựu trưởng ban nội dung Thời Báo Tổng Hợp - kênh thông tin chính thức của trường THPT chuyên Khoa Học Tự Nhiên.
Tình nguyện viên chiến dịch "Tiếp sức mùa thi chuyên Khoa Học Tự Nhiên 2019".
Ban tổ chức English Celebration 2019.
Tham gia đóng góp Booth Gali trong ngày hội STEM 2019 tổ chức bởi Bộ Khoa Học Công Nghệ.
Thường xuyên tham gia các hội nghị mô phỏng liên hợp quốc.
Phóng viên: Xin chào Dương, trước hết xin chúc mừng bạn với thành tích mà bạn đã đạt được. Vậy khi biết tin mình nhận được học bổng của 12 trường đại học Mỹ trong đó có trường đại học Georgetown với học bổng toàn phần bạn cảm thấy như thế nào?
Hải Dương: Em rất bất ngờ và không thể tin được về suất học bổng mình nhận được. Georgetown cấp cho em 68.000 USD 1 năm cho chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt cùng 3.500 USD 1 năm cho chi phí bảo hiểm.
Georgetown nổi tiếng với mức học bổng và hỗ trợ tài chính hạn chế với học sinh quốc tế, đặc biệt là học sinh Việt Nam. Vậy nên khi biết tin mình là 1 trong 7 học sinh nhận được học bổng từ nhà trường em đã không thể tin được vào mắt mình.
Phóng viên: Được biết, các trường đại học ở Mỹ thường đặt ra những yêu cầu rất cao, nhất là với những sinh viên quốc tế muốn xin học bổng. Dương hãy chia sẻ là làm thế nào mà bạn có thể dành được học bổng của trường Georgetown danh tiếng như vậy?
Hải Dương: Em có gửi đến ban tuyển sinh 2 bài luận.
Trong bài luận chính, em có chia sẻ một thông điệp rằng "Cuộc sống không phải để chôn vùi chiếc hố của thần Chết", bàn luận về tình yêu thương, sự tử tế. Khi đọc bộ hồ sơ của em, ban tuyển sinh có thể nghe được những câu chuyện, tính cách tư duy, phân tích cùng sức sống trí tuệ từ những hoạt động tranh biện, nghiên cứu khoa học.
Nhưng để là một con người thay đổi thế giới, quyết tâm giải quyết các vấn đề y học và môi trường, em đã chia sẻ về câu chuyện của mình và những người thân trong gia đình. Những buổi chăm sóc mẹ bị bệnh nặng ở viện đã khắc họa nên tính cách của con người em: kiên trì, bền bỉ, tử tế và giàu tình thương, đã truyền động lực cho em theo đuổi ngành y khoa tại trường Georgetown.
Còn bài luận phụ, em có chia sẻ về hành trình em thực hiện nghiên cứu về phân bón khi mới học lớp 7. Em theo dõi quá trình từng con giun đất phân hủy phân bón và đã ngẫm ra được 1 triết lý về cuộc đời. Những con giun đất khi bị cắt ra làm đôi sẽ trở thành hai con giun đất khác, và chính khó khăn sẽ là cơ hội để ta làm mới bản thân và vững bước hơn trên cuộc sống.
Hành trình đó đã truyền cho em một động lực thay đổi các vấn đề môi trường, nông nghiệp Việt Nam và không có điều gì sẽ làm em chùn bước. Những ý tưởng đó đã được em đưa vào bài luận chinh phục hội đồng tuyển sinh.
Phóng viên: Trong quá trình học tập và viết bài luận, chắc chắn sẽ không tránh khỏi những lúc mệt mỏi và áp lực. Vậy bạn đã gặp những khó khăn gì?
Hải Dương: Em nghĩ khó khăn lớn nhất, mà em cũng đã chia sẻ trong 1 phần của bài luận chính đó là ngay cả trong thời gian chuẩn bị và nộp hồ sơ thì mẹ em nằm viện điều trị và bố đi công tác xa nhà. Với hơn 40 bài luận cần phải hoàn thiện, kèm theo tự lo cho cuộc sống của mình nữa thì thực sự khá áp lực.
Bên cạnh đó em cũng bật mí là trong kỳ nộp hồ sơ tuyển sinh em có đưa ra quyết định bất ngờ đó là không gửi điểm SAT của mình. Dù điểm của em nằm trong mức 1% thế giới tuy nhiên số điểm đó chưa thể hiện đúng năng lực của em. Kỳ thi SAT năm ngoái em bị hủy 4 lần và trong lần thi duy nhất em không hài lòng về điểm của mình nên quyết định không gửi, dù mọi người phản đối quyết định này của em nhưng em vẫn đặt niềm tin vào lựa chọn của mình.
Tuy nhiên em vẫn được những trường đại học danh giá nhận. Bởi em tin rằng năng lực của em chưa bao giờ bị giới hạn bởi những con số trên học bạ, bảng điểm, hay trong 1 kỳ thi. Thứ thuyết phục được ban tuyển sinh phải là sự chân thành, đam mê, sự kiên trì, và tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ.
Phóng viên: Trong 12 trường đại học mà Hải Dương đã được trúng tuyển vì sao bạn chọn trường ĐH Georgetown (Mỹ) ?
Hải Dương: Em quyết định theo đuổi chương trình dự bị Y Khoa, song ngành Hóa Sinh và Khoa học Chính trị tại đại học Georgetown ở thủ đô Washington DC tại Mỹ.
Lý do em chọn trường không chỉ nằm ở suất học bổng toàn phần, mà bởi vì trường có một danh tiếng cao tại Mỹ, là cái nôi đào tạo ra các tổng thống Bill Clinton, Lyndon Johnson, vua Felipe của Tây Ban Nha và cũng là trường đào tạo ra nhiều nhà ngoại giao đang làm việc tại Quốc hội Hoa Kỳ nhất.
Ngoài ra chương trình dự bị Y Khoa ở trường cũng đứng trong top đầu. Vị trí của trường giữa thủ đô Washington có thể cho em nhiều cơ hội nghiên cứu, thực tập và gặp gỡ với các diễn giả nổi tiếng.
Ngoài ra thì sau khi nộp hồ sơ khoảng 1 tuần em có nhận được lời mời phỏng vấn từ ban tuyển sinh đại học Georgetown. Người phỏng vấn em là bác David Cameron, chủ tịch công ty tư vấn luật có trụ sở tại HongKong và New York, bác cũng là cựu học sinh niên khóa 2002 của Đại học Georgetown.
Cuộc phỏng vấn diễn ra hơn 1 tiếng với các chủ đề mở, từ những vấn đề chính trị trong khu vực đến những vấn đề khoa học chuyên sâu liên quan đến dự án khoa học của em. Ngoài ra bác David và em cũng trao đổi rất kỹ về trường và trải nghiệm của bác tại Georgetown.
Phóng viên: Ngoài công việc học tập, bạn có tham gia vào các hoạt động ngoại khóa nào khác không?
Hải Dương: Ở trường thì em có làm chủ tịch câu lạc bộ Hóa học của trường Chuyên Khoa học Tự nhiên, thành viên sáng lập và trưởng ban tổ chức hội chợ Khoa học Chem Storm thu hút hơn 1500 khán giả.
Bên cạnh đó, em cũng sáng lập ra tổ chức môi trường LiberVita cùng các hoạt động thu gom, tái chế rác thải thường niên và nhận được sự bảo trợ từ quỹ USAID và tổ chức Live&Learn.
Em cũng là thành viên nòng cốt của câu lạc bộ tranh biện của trường. Và là thí sinh chung kết giải tranh biện Gấu Debating Championship, Á quân giải tranh biện Chuyên Nguyễn Huệ, Thí sinh tứ kết giải vô địch tranh biện Việt Nam luật Nghị Viện Anh. Em cũng thường xuyên tham gia các hội nghị mô phỏng liên hợp quốc.
Ngoài ra, em cũng rất thích bộ môn chụp ảnh, nó tạo cho em rất nhiều cảm hứng vừa thúc đẩy cảm hứng sáng tạo vừa giúp em thư giãn đầu óc.
Phóng viên: Có rất nhiều người cũng đang có ước mơ và khao khát được du học Mỹ. Bạn có lời khuyên nào dành cho họ không?
Hải Dương: Lời khuyên của em dành cho những bạn có khát khao du học Mỹ rằng, sự chân thành là yếu tố tiên quyết để thành công. Du học Mỹ là một hành trình gian nan, em quen những bạn đạt điểm tuyệt đối trong kỳ thi SAT hay đạt được huy chương quốc tế nhưng vẫn phải nhận những lá thư từ chối. Đơn giản vì bạn không phải một mảnh ghép nhà trường tìm kiếm.
Các đại học Mỹ nhận hàng chục ngàn hồ sơ, và trong đó có rất nhiều hồ sơ đạt những thành tích ấn tượng. Khi đó, chính sự chân thành và cá tính của bạn sẽ dẫn bạn đến những suất học bổng từ những trường đại học danh giá.
Em tin rằng, sẽ có hàng ngàn hồ sơ với giải thưởng và bài báo khoa học, nhưng chỉ em mới thể hiện được cho ban tuyển sinh chân dung của một nhà khoa học với tư duy đầy kiên định mà vẫn mang một trái tim ấm áp, bao dung, lòng vị tha, và sự tử tế.
Phóng viên: Những dự định và ước mơ của Hải Dương sau này là gì?
Hải Dương: Do trúng tuyển ngành dự bị Y Khoa và có chính sách tuyển thẳng lên trường Y Đại học Georgetown nên em sẽ cố gắng giữ điểm số tốt và tiếp tục theo học trường Y.
Định hướng của em không hẳn là sẽ làm bác sĩ mà sẽ làm một nhà nghiên cứu y học trong tương lai. Ngoài ra thì em cũng rất quan tâm đến các vấn đề môi trường, nông nghiệp nên em có dự định học ngành Khoa học Chính trị để có thể tham gia vào công việc quản lý nhà nước trong các lĩnh vực y tế, sức khỏe, môi trường trong tương lai.
Phóng viên: Hải Dương có châm ngôn sống nào cho riêng mình không? Châm ngôn đó đã giúp bạn như thế nào trong quá trình học tập và chinh phục thành công?
Hải Dương: Chắc em sẽ lấy câu nói trong bài luận của em: "Cuộc sống không chỉ để chôn vùi cái hố của thần chết". Cuộc sống sẽ không có ý nghĩa nếu như mỗi tháng ngày ta không thể khiến cuộc sống của ta, và của mọi người xung quanh, trở nên tốt đẹp hơn.
Mỗi con người sinh ra đều có một giá trị và tiềm năng của riêng mình, đừng ngại thoát ra khỏi tổ kén của bản thân để khiến cuộc sống trở nên giá trị. Nấu một món ăn mới, gặp gỡ một con người mới, thử thách bản thân qua việc học một môn học mới, hay thậm chí lên đường đi du học là những ví dụ cho những trải nghiệm mới để chúng ta bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân mình.
Và khi chúng ta đã bước ra khỏi cái vùng an toàn đó, khai phóng tối đa tiềm năng của bản thân thì đừng quên học cách cống hiến cho xã hội để mang lại những điều ý nghĩa cho cuộc sống. Chính tinh thần đó sẽ thôi thúc em quay trở lại Việt Nam để phục vụ nước nhà, góp phần vào sự phát triển của ngành Y tế, môi trường và nông nghiệp.
Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện này! Chúc bạn ngày càng thành công trong tương lai!
Theo báo Dân Trí.