Bộ GD&ĐT sẽ giữ ổn định quy chế tuyển sinh như các năm trước. Dự kiến, kế hoạch tuyển sinh 2023 sẽ được công bố trong tháng 2, sớm hơn mọi năm để thí sinh có thể kịp bắt đầu năm học từ tháng 9/2023.
Như vậy, dự kiến thời gian thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển vào tháng 7/2023. Thí sinh cần lưu ý, hiện các trường tổ chức nhiều phương thức xét tuyển khác nhau; trong đó, nhiều trường tổ chức xét tuyển sớm.
Ngoài việc đăng ký trực tiếp tại các trường, sau khi có kết quả xét tuyển, nếu đủ điều kiện trúng tuyển, thí sinh vẫn phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ để lọc ảo.
Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và ngành Sư phạm sau khi có kết quả thi THPT, bà Thuỷ cho biết thêm.
Hiện nhiều trường đại học bắt đầu thông báo nhận hồ đăng ký xét tuyển năm 2023 theo các phương thức xét tuyển sớm.
Xét tuyển sớm là sử dụng các phương thức tuyển sinh không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, được các trường đại học thu nhận hồ sơ và công bố kết quả xét tuyển (trúng tuyển có điều kiện) trước kỳ thi tốt nghiệp THPT gồm: xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá năng lực, tuyển sinh riêng, ưu tiên xét tuyển... Kết quả chỉ được công nhận chính thức sau khi thí sinh đủ điều kiện tốt nghiệp THPT. Nghĩa là, thí sinh tham gia xét tuyển sớm vẫn phải đợi kết quả lọc ảo cuối cùng.
Năm nay, các trường dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển sớm. Đơn cử như, trường Đại học Nguyễn Tất Thành dành đến 60% chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển sớm gồm 40% chỉ tiêu xét học bạ. 20% chỉ tiêu xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển...
Trường Đại học Kinh tế - Tài chính dành đến 70% chỉ tiêu xét học bạ, trong đó xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp ba môn (30%) và xét học bạ theo tổng điểm trung bình ba học kỳ (40%).
HÀ CƯỜNG