Nội dung này được Bộ trưởng nhấn mạnh trong phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 của ngành GD-ĐT Hà Nội sáng 16/8.
Ghi nhận kết quả nổi bật của giáo dục Thủ đô
Là trung tâm chính trị, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ lớn của đất nước, Hà Nội luôn coi trọng, quan tâm, ưu tiên đầu tư để phát triển GD&ĐT theo đúng với tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản GD-ĐT.
Đưa nhận định này, Bộ trưởng cho rằng, trong năm học vừa qua ngành GD-ĐT Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp phát triển giáo dục của Thủ đô và đất nước.
Đặc biệt, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 trên địa bàn Thành phố, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT của ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt được những kết quả rất tích cực.
Giáo dục Thủ đô đã nỗ lực, cố gắng hoàn thành kế hoạch năm học 2022-2023 và hoàn thành các chỉ tiêu phát triển giáo dục; đã và đang xây dựng, phát triển hệ thống giáo dục cả về quy mô, chất lượng; đẩy mạnh chuyển đổi số; tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; xây dựng xã hội học tập, tạo tiền đề phát triển kinh tế tri thức, phục vụ thiết thực yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và đất nước.
Đặc biệt, trong năm học vừa qua ngành Giáo dục Thủ đô đã đạt được một số thành tích nổi bật như: Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3.
Trên phương diện giáo dục đại trà, kết quả thi tốt nghiệp THPT của Hà Nội tăng 11 bậc so với năm học trước - dù chỉ là một trong các chỉ số để đánh giá giáo dục, tuy nhiên đây cũng là chỉ số quan trọng.
Trên phương diện giáo dục mũi nhọn học sinh Thủ đô đạt 8 giải quốc tế; là địa phương dẫn đầu cả nước với 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đứng đầu Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ V do Bộ GD&ĐT tổ chức. Hợp tác về GD-ĐT của Thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong cả nước và các quốc gia trên thế giới được tăng cường…
“Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, tôi ghi nhận, chúc mừng và biểu dương những thành tích của ngành GD&ĐT Thủ đô đã đạt được trong năm học qua”, Bộ trưởng chia sẻ.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu ngành Giáo dục Hà Nội giải quyết dứt điểm việc phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký học.
|
Nhiều việc cần làm để giáo dục của Thủ đô tốt hơn
Năm học mới 2023-2024 là năm toàn ngành Giáo dục đang tiếp tục gia sức triển khai, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đổi mới; đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng đào tạo. Trong bối cảnh đó, với yêu cầu rất cao, Bộ trưởng yêu cầu ngành Giáo dục Thủ đô cần nỗ lực hơn nữa nhằm đáp ứng được những đòi hỏi của xã hội để nâng cao chất lượng GD&ĐT; cần ưu tiên thực hiện mọi biện pháp, quyết tâm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Trong đó, một số nhiệm vụ Bộ trưởng nhấn mạnh cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt, đó là: Cần quyết liệt hành động, có chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà toàn ngành Giáo dục đã đề ra.
Tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Đặc biệt, năm học này là năm trọng tâm của quá trình triển khai Chương trình với khối lượng công việc lớn. Trong đó tiếp tục triển khai các lớp theo đã thực hiện theo chương trình mới, triển khai mới với các lớp 4, 8, 11; chuẩn bị các điều kiện để triển khai các lớp 5, 9, 12. Đồng thời, tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành GD-ĐT Hà Nội cần quan tâm, chỉ đạo và triển khai cụ thể, sâu rộng văn hóa học đường, sức khỏe học đường, tâm lý học đường và phòng chống bạo lực học đường. Tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Tiếp tục chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT mới một cách chủ động, chu đáo theo tinh thần Công văn số 1019/BGD-ĐT-NGCBQLGD ngày 24/3/2021 của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, chú ý chuẩn bị chu đáo đội ngũ giáo viên dạy ngoại ngữ, tin học cho cấp tiểu học để thực hiện Chương trình GDPT năm 2018.
Xác định lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế để phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc đặt hàng đào tạo nâng trình độ chuẩn giáo viên được đào tạo theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.
Trong công tác xây dựng xã hội học tập, UBND thành phố, các sở ban ngành liên quan cần quan tâm chỉ đạo, phối hợp và có những giải pháp thúc đẩy xây dựng các mô hình học tập, trong đó có việc xây dựng “Đơn vị học tập” cấp thành phố, cấp quận/huyện trên địa bàn; hưởng ứng tốt Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023 - 2030” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Giáo dục Hà Nội đồng thời cần tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đặc biệt chú trọng về "chất" trong tất cả các khía cạnh: trong dạy-học, kiểm tra - đánh giá; đảm bảo hạ tầng thiết bị, an toàn thông tin; đảm bảo dữ liệu ngành đúng, đủ, kịp thời phục vụ công tác quản lý; tăng cường kho học liệu số; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, thúc đẩy học tập suốt đời với sự hỗ trợ của công nghệ số.
|
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.
|
Nhấn mạnh năm học mới có rất nhiều điểm phải làm, một nội dung được Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh là mong muốn ngành GD-ĐT Thành phố cần giải quyết dứt điểm để không còn hiện tượng phụ huynh phải xếp hàng thâu đêm mua, nộp hồ sơ đăng ký học. Với thời đại công nghệ số, quản trị hiện đại, mạng internet, Thủ đô dẫn đầu cả nước, còn hiện tượng này là không nên. “Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã rất quyết tâm trong việc này, tôi nghĩ sẽ thực hiện được trong thực tế”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cùng với đó, ngành GD-ĐT cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, đẩy mạnh việc thực hiện phân cấp quản lý, cải cách hành chính và cơ chế phối hợp, phát huy tính năng động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kết quả giáo dục của địa phương và các cơ sở giáo dục.