Kính chào các bạn thân mến! sau đây mình xin tuyên truyền về “ Lịch sử và ý nghĩa Ngày Nhà giáo Việt Nam”
Ngày 20/11 hàng năm được coi là ngày vô cùng ý nghĩa đối với các nhà giáo Việt Nam. Đây là ngày có lịch sử và ý nghĩa rất đặc biệt.
Lịch sử ra đời
Ngày 20/11 được gọi là ngày Hiến chương các nhà giáo Việt Nam, là ngày hội của những người làm trong ngành giáo dục của nước ta.
Có thể nói, Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 có lịch sử khá đặc biệt, vừa mang tính quốc tế, vừa thể hiện tính chất dân tộc. Đây vừa là ngày của ngành giáo dục nhưng cũng là ngày hội của toàn dân.
Lịch sử ra đời của Ngày nhà giáo Việt Nam lại bắt nguồn từ tháng 7/1946 tại… Paris (Pháp). Thời điểm này, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập, lấy tên là FISE (Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục).
Sau 3 năm thành lập, năm 1949, Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục ra mắt bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương ở một hội nghị tại Warszawa (thủ đô của Ba Lan).Mùa xuân năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị quan trọng kết nạp Công đoàn Giáo dục của một số nước vào tổ chức FISE tại Viên (Thủ đô nước Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi thành lập (22/7/1951), Công đoàn giáo dục Việt Nam được kết nạp là một thành viên của FISE.
Từ 26 đến 30/8/1957 tại thủ đô Vacxava, có 57 nước tham dự hội nghị FISE. Trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam. Đoàn Việt Nam đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 làm ngày "Quốc tế hiến chương các nhà giáo". Ngày này, lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta vào năm 1958.
Và rồi, khi Việt Nam thống nhất, ngày 20/11 đã trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục Việt Nam. Đến ngày 28/09/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hàng năm là ngày lễ mang tên "Ngày nhà giáo Việt Nam".
Như vậy ngày 20/11/1982 là ngày lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tổ chức trọng thể trên cả nước Việt Nam.
Ý nghĩa sâu sắc
“Không thầy đố mày làm nên” là bài học đầu tiên chúng ta được học về người thầy và nó đã theo chúng ta đến khi trưởng thành. Có thể nói, thầy cô giáo là những người có ảnh hưởng lớn đến suy nghĩ và dìu dắt chúng ta từng bước, từng bước đi trên con đường làm người.
Bởi vậy, ai cũng háo hức, bồi hồi mỗi dịp Ngày nhà giáo Việt Nam đến gần. Đó là dịp để người ta thể hiện tấm lòng “tôn sư trọng đạo”, thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đến những người thầy, người cô bằng những lời ca, tiếng hát và bằng những lời chúc tốt đẹp.
Vì vậy, cứ mỗi khi gần đến dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, trong tim mỗi người lại xuyến xao nhớ lại về người thầy trong tâm khảm của mình.
Trong những ngày này, tại các cơ sở giáo dục trên cả nước đều tổ chức các chương trình nhằm tôn vinh những nhà giáo, những người thầy, cô. Đông đảo học trò thể hiện lòng biết ơn sâu sắc tới thầy cô của mình bằng những lời ca, tiếng hát và vô vàn lời chúc tốt đẹp.
Dù còn ở tuổi cắp sách tới trường, hay đã trưởng thành rời ghế nhà trường, mỗi người Việt Nam vẫn luôn hướng đến ngày 20/11 với truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Hãy ghi nhớ công ơn thầy cô và làm những điều tuyệt vời nhất như những bông hoa tươi thắm kính tặng thầy cô của chúng ta nhé.